Phỏng Vấn Nhân Viên An Toàn

AN TOÀN CHO DỰ ÁN
Nguyễn Đức Ân - Quản Lý An Toàn


Phỏng vấn viên: Khi dịch virus corona ngày càng nghiêm trọng, trong vai trò là Quản lý về An Toàn Xây dựng, từ kinh nghiệm của mình Anh hãy chia sẻ cách quản lý mang lại hiệu quả nhất để đảm bảo một lúc nhiều vai trò khác nhau về an toàn cho dự án, sức khỏe cho công nhân và duy trì tiến độ như dự định?
Nguyễn Đức Ân: Thật ra, tôi cũng không có nhiều kinh nghiệm về chống dịch. Tuy nhiên, trên phương diện giảm thiểu rủi ro, tránh sự cố leo thang, chúng ta cần giảm thiểu tần suất xuất hiện của sự cố. Vì vậy, để tránh sự lan rộng người nhiễm bệnh (sự cố) trong công trường kéo theo chậm trễ tiến độ chung, chúng ta cần phát hiện và cô lập sớm các công nhân có dấu hiệu nhiễm bệnh với các công nhân chưa nhiễm của công trường. Để thực hiện điều này, ban an toàn đã phối hợp với bảo vệ cổng, ban chỉ huy OVC và thầu phụ tiến hành đo thân nhiệt công nhân tại cổng vào mỗi ngày, trong trường hợp có công nhân nào thân nhiệt cao, không cho vào công trường và yêu cầu ban chỉ huy thầu phụ chữa trị, theo dõi tình trạng của công nhân này nếu hết bệnh mới cho vào công trường lại . Bên cạnh đó, hằng tuần, trong cuộc họp an toàn chung với công nhân, triệu chứng bệnh và cách rửa tay, đeo khẩu trang …để phòng chống bệnh đã được tuyên truyền, huấn luyện cho toàn thể công nhân. Tóm lại, chúng tôi làm theo đúng hướng dẫn của Bộ y tế về phòng chống dịch.

Phỏng vấn viên: Làm việc ở Obayashi từ năm 2005 đến nay, từ một kỹ sư cơ điện, Anh không ngại thay đổi và thử sức với những vai trò mới, hiện nay đã là một quản lý về An Toàn, Anh đã có những thay đổi nào? (ISO, OHSAS…)
Nguyễn Đức Ân: Xuất thân từ một kỹ sư cơ điện, do nhu cầu của Công ty, tôi nhận nhiệm vụ phụ trách an toàn của Công ty với phương châm: “ không kén việc “. Cũng may, nhờ sự hỗ trợ từ Ban Lãnh đạo Công ty cũng như sự ủng hộ của tất cả mọi người, tôi đã kế thừa, duy trì và đang cải tiến hệ thống an toàn của Công ty OVC dựa trên các chuẩn mực của Công ty mẹ (OC) cũng như các chuẩn mực của hệ thống OHSAS 18001:2007 và sắp tới là ISO 45001:2018.

Phỏng vấn viên: Để thiết lập và theo dõi KPIs an toàn của nhà thầu, Anh ưu tiên chỉ số đánh giá KPIs nào?
Nguyễn Đức Ân: Hiện nay, hệ thống an toàn của công ty chúng ta đang dùng chỉ số điểm vi phạm an toàn (demerit points) để đánh giá thầu phụ. Chỉ tiêu này dựa trên tổng số vi phạm liên quan đến an toàn (unsafe acts), có liên quan với tổng số sự cố liên quan đến an toàn theo một tỉ lệ thống kê theo lý thuyết “tam giác tai nạn”: nhiều vi phạm an toàn sẽ dẫn đến các “suýt” sự cố ; cứ 300 ~600 “suýt” sự cố xảy ra có thể dẫn đến 30 tai nạn nhỏ; cứ 30 tai nạn nhỏ xảy ra có thể dẫn đến 10 tai nạn nặng; cứ 10 tai nạn nặng xảy ra có thể dẫn đến 1 tai nạn chết người. Tổng sự cố liên quan đến an toàn và tỷ lệ thời gian bị mất - là một trong những công cụ mới nhất để nâng cao sự an toàn của nhà thầu. Vì thế, trong tương lai, Ban An toàn sẽ cố gắng hoàn chỉnh hệ thống thu thập các dữ liệu về sự cố và thời gian ngừng việc do sự cố, tai nạn của các nhà thầu phụ để có một hệ thống theo dõi và đánh giá KPI của các nhà thầu tốt hơn.

Phỏng vấn viên: Những điều cần xem xét cho sự an toàn của một dự án?
Nguyễn Đức Ân: Theo tôi nghĩ, chúng ta cần quan tâm xem xét các vấn đề sau đây cho sự an toàn của dự án:

- Công tác chuẩn bị: Có biện pháp thi công chi tiết trong đó có xác định nguy hiểm, đánh giá rủi ro và đưa ra biện pháp khắc phục phòng ngừa cho từng công việc về an toàn. Thiết kế chi tiết mặt bằng thi công, mặt bằng tạm…(Method);  Nhân sự đầy đủ và được đào tạo thích hợp (Man); Máy móc đảm bào an toàn (Machine); Vật tư được sắp đặt đúng nơi, đúng chỗ, ngăn nắp không cản trở, có các chỉ dẫn an toàn khi là hóa chất gây hại cho sức khỏe (Material) và cuối cùng là có dành ngân sách đầy đủ cho an toàn, không được cắt xén (Money)

- Giám sát và thực hiện công tác an toàn tại dự án: Đây là công tác chính để đảm bảo an toàn cho dự án. Công tác này cần có sự tham gia của không những các nhân viên an toàn mà còn các công nhân, giám sát, quản lý kỹ thuật trên công trường theo tinh thần “ An toàn là văn hóa của chúng ta”.

- Huấn luyện an toàn để nâng cao nhận thức của mọi người: Đây là một công tác được tiến hành song song với công tác Giám sát và thực hiện an toàn tại dự án. Tất cả nhân viên trên công trường phải được hướng dẫn an toàn đầu vào trước khi vào công trường, phải được huấn luyện các kỹ năng chuyên môn và an toàn để thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, họ còn phải được định kỳ tái huấn luyện nhằm tạo thói quen và cập nhật các kiến thức về an toàn.

Phỏng vấn viên: Làm thế nào để bạn giáo dục nhân viên tại chỗ về các quy trình an toàn và làm thế nào để bạn đảm bảo an toàn của họ?
Nguyễn Đức Ân: Huấn luyện an toàn chính là biện pháp khá tốt để đảm bảo an toàn cho chính bản thân người lao động bởi vì nó nâng cao nhận thức về an toàn cho họ. Từ nhận thức tốt về an toàn họ sẽ tìm cách thực hiện công việc của mình một cách an toàn hơn, chủ động yêu cầu và thực hiện các biện pháp an toàn cho mình bởi vì họ biết họ đang tự bảo vệ mình.

Hiện nay, trên công trường, việc huấn luyện an toàn cho công nhân được thực hiện theo các thứ tự sau:

- Huấn luyện đầu vào (Safety Induction) cho công nhân trước khi vào công trường về quy định của công trường và các quy trình an toàn cơ bản.

- Hằng ngày, trong cuộc họp an toàn buổi sáng, quy trình an toàn của công việc sẽ làm trong ngày sẽ được nhắc nhở cho công nhân (công việc có nguy hiểm gì, biện pháp làm việc an toàn như thế nào).

- Hằng tuần, trong cuộc họp với toàn thể công nhân và ban chỉ huy, các hành vi không an toàn của công nhân và một số quy trình an toàn căn bản được trình bày bằng hình ảnh (hoặc video clip).

- Hằng tháng, họp an toàn tháng (Safety Montly Talk) với công nhân với nội dung biểu dương (có tặng quà) cho các cá nhân thực hiện tốt an toàn trong tháng. Mọi người được mời nước uống trong cuộc họp tại hiện trường này.

Phỏng vấn viên: Một số biện pháp phòng ngừa an toàn cho giàn giáo là gì?
Nguyễn Đức Ân: Giàn giáo luôn là trọng điểm của công tác an toàn khi làm việc trên cao. Chính vì thế, công ty đã ban hành một Sổ tay an toàn về giàn giáo (loại H). Vấn đề tồn tại của giàn giáo hiện nay trên các công trường là chất lượng không đồng bộ các thành phần của giàn giáo (mâm giáo ,  lối lên xuống /cầu thang,…)  cũng như công tác lắp dựng, duy trì hiện trạng và bảo trì giàn giáo.
Các vấn đề này đã được cải thiện cho giàn giáo bao che (perimeter scaffolding) với các nhà thầu chuyên nghiệp. Trong năm nay, ban an toàn sẽ phối hợp các nhà thầu phụ kết cấu chính để chuẩn hóa hai thành phần chính của gián giáo là mân thi công và lối lên xuống.

Phỏng vấn viên: Là một người quản lý an toàn, cách quản lý của bạn là gì?
Nguyễn Đức Ân: (Cười). Tôi cung Bảo Bình theo Tử vi Dương Lịch. Vì thế, kiểu quản lý của tôi là cùng làm với nhân viên. Tôi chưa bao giờ xem tôi là một quản lý giỏi nhưng có thể mọi người xem tôi là một đồng nghiệp tốt bụng.

Phỏng vấn viên: Năm 2020, Anh có những dự định ra sao trong cuộc sống, công việc?
Nguyễn Đức Ân: Đối với công việc, việc cải thiện công tác giám sát an toàn và ý thức trách nhiệm an toàn của các kỹ sư công trường là nhiệm vụ hằng năm phải làm. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi và nâng cấp chứng chỉ của hệ thống an toàn từ OHSAS 18001:2007 sang ISO 45001-2018 cũng là một công việc đã lên lịch thực hiện.
Về cuộc sống, trong năm nay, tôi sẽ lái xe đưa gia đình đi du lịch.

Cảm ơn Anh rất nhiều vì đã chia sẻ, mong anh và gia đình sớm có một hành trình tiếp theo.